Cuộc chiến lần thứ tư Chiến_tranh_Lưu_Tống-Bắc_Ngụy

Thác Bạt Nhân thắng trận Thọ Dương

Thái Vũ đế thấy quân Tống rút lui bèn khởi đại quân nam tiến. Cánh quân của Vĩnh Xương vương Thác Bạt Nhân từ Lạc Dương đi tới Thọ Dương, nhanh chóng hạ được Huyền Hồ và Hạng Thành.

Tống Văn đế vội vã điều Lưu Khang Tổ về cứu Thọ Dương. Quân Tống chỉ có 8000 người, đụng 8 vạn quân kỵ của Ngụy ở Úy Vũ[24]. Phó tướng của Khang Tổ là Hồ Thịnh Chi kiến nghị đi vòng đường núi để tránh đối đầu với địch mạnh nhưng Khang Tổ không nghe theo, sai kết xe bày trận, hạ lệnh ai quay lại sẽ chém. Thác Bạt Nhân đuổi tới, nhân chiếm ưu thế quân số bèn chia quân bao vây 4 phía tấn công. Quân Tống kiên cường chống trả, giết hơn 1 vạn quân Ngụy, bản thân Lưu Khang Tổ bị hơn 10 vết thương[25].

Thác Bạt Nhân có nhiều quân, chia làm 3 lượt luân phiên chiến đấu. Đánh nhau sau hơn 1 ngày, Khang Tổ bị ngã ngựa tử trận. Thác Bạt Nhân tiêu diệt toàn bộ cánh quân này.

Thác Bạt Nhân tiến đánh Thọ Dương. Tướng giữ Thọ Dương của Tống là hoàng tử Nam Bình vương Lưu Thước đang giữ chức Thứ sử Dự châu cố thủ không ra đánh, quân Ngụy không hạ được.

Vua Ngụy nam tiến

Quân Ngụy áp Trường Giang

Thái Vũ đế đích thân cầm quân chủ lực đánh Bành Thành[26]. Các hoàng tử Lưu Nghĩa Cung (em Tống Văn Đế) và Lưu Tuấn (con Văn Đế[27]) được giao giữ thành. Nghĩa Cung sợ quân Ngụy định bỏ thành chạy, Lưu Tuấn và Trưởng sử Trương Sướng đề nghị nên cố thủ, nếu bỏ chạy thì sẽ hỗn loạn và bị sát thương cao. Nghĩa Cung nghe theo, hạ lệnh cố thủ không ra đánh, quân Ngụy không hạ được thành.

Ngày 1 tháng 12 năm 450, Tống Văn đế sai Tạng Chất đi cứu Bành Thành. Chất chỉ có 1 vạn quân, tới Vu Thai[28] thì đụng đại quân của vua Ngụy vừa qua sông Hoài. Tạng Chất không thể đương nổi quân Ngụy, viện binh Tống bị giết gần hết, chỉ còn 700 quân chạy vào thành Vu Thai.

Ngụy Thái Vũ đế chỉ để lại cánh quân vài ngàn người vây thành Vu Thai mà cất đại quân nam tiến tiếp. Rằm tháng chạp, quân Ngụy tới Qua Bộ[29], Thái Vũ đế ra lệnh phá nhà dân làm bè, phao tin quân Ngụy muốn vượt Trường Giang vào Kiến Khang. Kinh thành nhà Tống rơi vào tình trạng khẩn cấp, phải điều động hết tráng đinh trong huyện Đan Dương, đưa cả con em vương công ra trận. Tống Văn đế khi đó rất ân hận vì đã giết oan tướng Đàn Đạo Tế nên không có tướng tài để ngăn quân Ngụy nam tiến[30].

Thái Vũ đế lại cầu thân

Ngụy Thái Vũ Đế dựng hành cung trên núi Qua Bộ, sai người vượt sông tặng cho Lưu Tống Văn Đế lừa tốt, ngựa hay và lần thứ 3 xin giao hảo để thông gia, thỉnh cầu vua Tống gả con gái cho thái tử Thác Bạt Hoảng. Tống Văn đế đáp lễ, sai Điền Kỳ mang ngọc ngà châu báu và của ngon vật lạ tặng lại Ngụy Thái Vũ Đế. Thái Vũ Đế lấy luôn trong số quà tặng một quả cam ăn và rót rượu uống luôn. Tả hữu ghé tai khuyên không nên ăn uống đồ biếu vì sợ có độc, nhưng Thái Vũ Đế không để ý và nói với Điền Kỳ:

Lần này ta từ xa đến đây, không phải vì danh tiếng cho mình. Ta muốn giữ quan hệ hữu hảo, Nam Bắc triều mãi mãi thông gia với nhau. Nếu vua Tống gả con gái tông thất cho cháu ta làm vợ thì ta cũng gả tông nữ cho Vũ Lăng vương[31], không bao giờ mang quân xuống miền nam nữa!

Thái Vũ đế chủ động cầu hôn đến đó là lần thứ 3 nhưng Tống Văn đế một mực không chấp thuận vì sự kỳ thị ngoại tộc. Toàn bộ kinh thành Kiến Khang sẵn sàng đón quân Ngụy tiến sang.

Nhưng đến ngày 2 tháng giêng âm lịch năm 451, Thái Vũ đế hạ lệnh lui quân, chỉ bắt theo dân Tống mang về.

Chiến sự Vu Thai

Ngụy Thái Vũ đế quay trở lại Vu Thai, bao vây đánh thành. Thái thú Vu Thai là Thẩm Phác là người có chủ trương giữ thành từ nhiều tháng trước, đã chuẩn bị lương thực đầy đủ, động viên các thủ hạ cố sức giữ. Khi Tạng Chất chạy vào thành, Thẩm Phác cùng Tạng Chất cố thủ.

Ngụy Thái Vũ đế đòi Tạng Chất dâng rượu. Chất sai mang bình nước tiểu cho vua Ngụy. Thái Vũ đế nổi giận hạ lệnh đánh thành, không tiếc mạng quân sĩ cố đánh cho được. Quận Nguỵ chuyển đất đá xung quanh tới lấp hào thành. Sau đó vua Ngụy lại gửi thư hăm dọa Tạng Chất. Chất cũng cứng cỏi, gửi thư mắng lại, lại chép giải thưởng của triều đình Lưu Tống vào thư:

Ai chém được Phật Ly[32], phong hầu vạn hộ, thưởng 1 vạn tấm vải!

Thác Bạt Đào càng tức giận, thúc quân đánh rát. Quân Ngụy dùng câu xa ném móc câu lên thành để kéo đổ lầu thành. Quân trong thành dùng thừng lớn buộc vào móc câu, cùng nhau kéo ngược vào trong. Hai bên giằng giữ từ sáng đến tối, quân Ngụy vẫn không kéo đổ được. Trời tối, quân Tống cho người vào thùng gỗ, buộc thùng vào dây thả xuống lưng chừng, người trong thùng dùng dao chặt đứt dây buộc của móc câu rồi lại rút vào bên trong.

Vua Nguỵ lại sai lấy xung xa húc thành nhưng thành vững chắc không húc đổ được. Thác Bạt Đào không tiếc trả giá mạng quân, hết lớp này chết lớp sau lại giẫm lên xác nhau mà tiến. Đến cuối tháng giêng, xác quân Ngụy chết rất nhiều, cao gần bằng tường thành, nhưng quân Ngụy vẫn không tiến vào được[30].

Lúc đó Bành Thành vẫn trong tay quân Tống. Thái Vũ đế sợ quân địch hợp 2 mặt đánh lại nên đầu tháng 2 năm 451 đành giải vây Vu Thai, đốt hết khí giới công thành, rút toàn quân về bắc.

Lúc quân Ngụy rút về qua Bành Thành, hoàng thân Lưu Nghĩa Cung không dám ra đánh. Sau đó vua Tống phát lệnh truy kích tới, quân Ngụy bèn giết hơn 1 vạn dân Tống bắt theo về vì họ đi chậm rồi toàn quân rút mau. Lưu Nghĩa Cung sợ bị Tống Văn đế bắt tội, đành mang quân ra khỏi thành đuổi suông một đoạn, không thấy bóng quân Ngụy cũng rút về[33].